MIS HƯỚNG TỚI NGÔI TRƯỜNG VĂN MINH-HẠNH PHÚC
Hoàng Văn Lược-TGĐ.
I. Định hướng và mục tiêu.
1. Định hướng.
Hệ thống giáo dục Đa Trí Tuệ-MIS hướng tới xây dựng ngôi trường Văn minh-Hạnh phúc, tại đó mọi sự khác biệt, từng trí thông minh, năng lực, kỹ năng riêng của học sinh được thừa nhận và tôn trọng. Giáo dục của nhà trường tạo điều kiện tốt nhất để học sinh nhận ra khả năng của bản thân và nuôi dưỡng lòng ham mê học tập, nhận sự yêu thương của thầy cô, bạn bè, được tôn trọng, lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ để trở thành một con người kiến tạo, một công dân toàn cầu trong tương lai.
Việc xây dựng và kiến tạo trường học hạnh phúc phải được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm lâu dài, thể hiện mục tiêu, lý tưởng và là một điểm nhấn trong triết lý giáo dục MIS. Trường MIS Văn minh-Hạnh phúc được xây dựng dựa trên những nền tảng sau:
1.1. Triết lý giáo dục MIS: “Học để Tự do, Sáng tạo-Học để Hạnh phúc-Thông minh để Hạnh phúc”.
1.2. 08 giá trị cốt lõi của MIS: “Tôn trọng-Yêu thương-Kỷ cương-Trách nhiệm-Trung thực-Nỗ lực-Hợp tác-Sáng tạo”.
1.3. Trọng tâm giáo dục MIS: Phát triển cân đối, hài hòa giữa Tâm lực-Trí lực- Thể lực- kỹ năng để “Trau dồi đạo đức-Thành thục kỹ năng-Vững vàng tri thức-Thể lực lành mạnh”.
2. Mục tiêu.
Xây dựng MIS thành trường học Văn minh-Hạnh phúc trên nền tảng: Đa trí tuệ-Một nhân cách.
2.1. Đa trí tuệ. Con người ai cũng thông minh, ai cũng có từ 1 trở lên trí thông minh nổi trội trong 9 trí thông minh của con người. Chính cái tên MIS đã nói lên rằng tại MIS mọi sự khác biệt, từng trí thông minh, năng lực, kỹ năng riêng của học sinh được thừa nhận và tôn trọng. Định hướng giáo dục MIS được dựa trên cảm hứng của thuyết Đa Trí Thông Minh của nhà tâm lý nổi tiếng thời đại HOWARD GARDNER.
2.2. Một nhân cách. Xây dựng một môi trường văn hóa Kiến tạo- Thân thiện –An toàn lấy việc dạy làm người là ưu tiên số 1, trong đó giáo dục đạo đức, nhân cách là gốc, là cốt cách, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học, năng lực giao tiếp, hợp tác, tư duy phản biện …làm nền tảng để trở thành con người kiến tạo, công dân toàn cầu trong tương lai. Nhân cách MISERS cần biểu hiện đầy đủ cả ba mặt:
* Giữ gìn nhân tính
* Bảo tồn quốc tính
* Khẳng định cá tính.
2.3. MIS trở thành mái nhà chung Văn minh- Hạnh phúc, ở đó học sinh yên vui, thầy cô yên lòng, cha mẹ yên tâm.
MIS là mái nhà yêu thương, gắn kết, sẻ chia giữa các thầy cô, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và xây đắp hàng ngày. Tại MIS, thầy cô, học sinh cảm thấy an toàn, được bảo vệ, được quan tâm, không bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh. Mọi cảm xúc riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò luôn được tôn trọng và khuyến khích phát triển. Để toàn thể giáo viên, học sinh trong nhà trường cảm thấy bình yên trong tâm hồn, thoải mái thể hiện cá tính và phát huy tối đa tiềm năng của bản thân.
Học sinh được tự do, sáng tạo phát triển toàn diện, trở thành chính mình và các em được che chở bởi môi trường học tập an toàn, thân thiện, đầy tình thương; không bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh.
2.4. MIS là ngôi trường lan tỏa giá trị hạnh phúc đích thực, cuốn hút xã hội để mỗi cán bộ, giáo viên hạnh phúc, mỗi học sinh hạnh phúc, lớp học hạnh phúc và nhà trường hạnh phúc. Mục tiêu các hoạt động của nhà trường không chỉ nhằm làm cho giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, mà còn từ nơi khởi đầu đó, hạnh phúc sẽ lan tỏa đến phụ huynh học sinh và toàn xã hội.
II. Hạnh phúc của mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh là cái gốc tạo ra trường học Văn minh-Hạnh phúc.
Đầu thế kỷ 21, Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia coi hạnh phúc là mục tiêu cơ bản của con người, là thước đo chính xác cho tiến bộ xã hội và các mục tiêu chính sách công của các nước trên toàn cầu.
Giáo dục nhà trường cần hướng học sinh tới các giá trị đạo đức tinh thần, tới lòng tốt và biết ơn, tới tính kiên trì , tự chủ trong học tập và tinh thần cộng đồng. Do vậy giáo dục MIS cần giải quyết vấn đề đó là phát triển các giá trị cảm xúc hạnh phúc, năng cao năng lực hợp tác trong quá trình học tập và làm việc. Từ việc có giáo viên hạnh phúc, học sinh hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc mới cho ta một gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc, đất nước hạnh phúc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong bản Tuyên ngôn Độc lập “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Do vậy, cái gốc để hình thành ngôi trường hạnh phúc chính là làm thế nào để cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ có hạnh phúc và duy trì cảm xúc hạnh phúc đó. Hạnh phúc không phải trên trời rơi xuống mà do chúng ta cảm xúc và rèn luyện mà có.
1. Tư duy tích cực.
Tư duy tích cực định hướng cho ta tới những thái độ cảm xúc tích cực, tập trung vào những điều tốt đẹp, dẫn tới hành động tích cực để khơi nguồn hạnh phúc đích thực. Chúng ta nhìn sự việc, vấn đề luôn thấy cái hay, cái đẹp, cái tốt và sẵn sàng đón nhận thách thức trong cuộc sống với thái độ hướng thiện. Chúng ta hãy loại bỏ hoàn toàn những ám ảnh trong quá khứ bằng việc nhận thức sực mạnh kỳ diệu của hiện tại. Sự thật hiện tại tiềm ẩn sức mạnh kỳ diệu. Đón nhận cái mới và món quà từ cuộc sống hiện tại, duy trì sự thanh thản và bình yên cho tâm hồn. Nếu chúng ta không thích thứ gì đó, hãy thay đổi nó. Nếu bạn không thể thay đổi nó, thì cần thay đổi phản ứng của bạn trước nó. Đừng bao giờ than phiền hay chỉ trích, đổ lỗi. Chúng ta có thể rèn luyện được kỹ năng tư duy tích cực để có giá trị sống hay cái nhìn về cuộc đời và sự sống của mỗi con người.
2. Cảm xúc tích cực.
Cảm xúc tích cực là nền tảng của cảm xúc, động cơ hành động và bản chất của hạnh phúc. Cảm xúc tích cực làm gia tăng sức bật tinh thần. Sức bật tinh thần giúp con người ra giải quyết căng thẳng và hồi phục tốt hơn khi trở ngại xuất hiện. Con người chúng ta, ai cũng có 6 loại cảm xúc cơ bản, đó là: Hạnh phúc, Buồn bã, Ghê tởm, Sợ hãi, Ngạc nhiên và Giận dữ. Cảm xúc tích cực bao gồm các phản ứng tình huống dễ chịu hoặc mong muốn, từ quan tâm và mãn nguyện đến tình yêu và niềm vui. Những cảm xúc này là dấu hiệu đánh dấu hạnh phúc hoặc sức khỏe tổng thể của con người, chúng cũng giúp tăng cường sự phát triển và thành công trong tương lai. Ở trường học, những cảm xúc này có được khi chúng ta nhận được sự tôn trọng, nhận được sự công nhận thông qua lời khen ngợi từ những người xung quanh, từ sự quan tâm, tình yêu thương gắn kết từ các mối quan hệ, chúng ta nhìn nhận được giá trị của bản thân, khẳng định được giá trị của bản thân và tăng tính tự trọng của bản thân… giáo viên đạt được lời khen động viên từ lãnh đạo. Tương tự học sinh có cảm xúc tích cực khi giáo viên có ứng xử văn hóa với các em.
2.1. Hãy chấp nhận bản thân
Thực tế, con đường dẫn tới chấp nhận bản thân là rất quan trọng đối với hạnh phúc, bởi vì chúng ta chỉ hạnh phúc thật sự khi chúng ta cho phép bản thân chấp nhận chính mình. Nhận ra mình là ai, với tất cả những điều kỳ quặc và bình dị của mình và sau đó đừng hà khắc quá đối với bản thân. Chấp nhận bản thân là nền tảng để tôn trọng và yêu thương bản thân mình
2.2. Trí tuệ cảm xúc.
Trí tuệ cảm xúc đó là khả năng nhận thức được cảm xúc, đồng hóa những cảm nhận liên quan đến cảm xúc đó và quản lý cảm xúc của bản thân
Trí tuệ cảm xúc (hay còn gọi là chỉ số cảm xúc hoặc EQ) là khả năng hiểu, sử dụng và quản lý cảm xúc của chính bạn theo những cách tích cực để giảm bớt căng thẳng, giao tiếp hiệu quả, đồng cảm với người khác, vượt qua thử thách và xoa dịu xung đột. Trí tuệ cảm xúc giúp bạn xây dựng các mối quan hệ bền chặt hơn, thành công ở trường học và nơi làm việc, đồng thời đạt được các mục tiêu nghề nghiệp và cá nhân của bạn. Nó cũng có thể giúp bạn kết nối với cảm xúc của mình, biến ý định thành hành động và đưa ra quyết định sáng suốt về những gì quan trọng nhất đối với bạn.
Trí tuệ cảm xúc thường được xác định bởi bốn thuộc tính:
Quản lý bản thân – Bạn có thể kiểm soát cảm xúc và hành vi bốc đồng, quản lý cảm xúc của mình theo những cách lành mạnh, chủ động, tuân thủ các cam kết và thích ứng với những hoàn cảnh thay đổi.
Tự nhận thức – Bạn nhận ra cảm xúc của chính mình và cách chúng ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của bạn. Bạn biết điểm mạnh và điểm yếu của mình, và có sự tự tin.
Nhận thức xã hội – Bạn có sự đồng cảm. Bạn có thể hiểu được cảm xúc, nhu cầu và mối quan tâm của người khác, nắm bắt các tín hiệu cảm xúc, cảm thấy thoải mái về mặt xã hội và nhận ra động lực quyền lực trong một nhóm hoặc tổ chức.
Quản lý mối quan hệ – Bạn biết cách phát triển và duy trì các mối quan hệ tốt, giao tiếp rõ ràng, truyền cảm hứng và ảnh hưởng đến người khác, làm việc nhóm tốt và quản lý xung đột.
Khi bạn chấp nhận được bản thân, bạn chấp nhận được cuộc sống hiện tại, cảm thấy mình đáng được sống cuộc sống mình mong muốn, cảm thấy mình đạt được những điều mình mong muốn, cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại tức là khi đó bạn cảm thấy hạnh phúc. Khuôn mẫu hạnh phúc tối ưu là gì? Phiên bản tốt nhất của chính mỗi người đó là yêu đời, yêu mình và yêu cuộc sống.
Cảm xúc hạnh phúc.
Cảm xúc hạnh phúc là 1 trong 6 cảm xúc cơ bản. Do đó, cảm xúc hạnh phúc là một trạng thái mà con người ta thấy dễ chịu nhất, với đặc trưng bởi cảm giác của sự mãn nguyện, niềm vui, sự hài lòng hay thỏa mãn…cả về thể xác và tâm hồn. Giống như tư duy tích cực, hạnh phúc là lẽ sống, hay giá trị sống. Hạnh phúc là một lựa chọn chứ không phải đích đến. Chính cảm giác bên trong chúng ta tạo ra hạnh phúc. Người ta nói “Gieo tính cách, gặt số phận” hoặc “Quả ngọt mọc trên tâm hồn màu mỡ”.
Hạnh phúc do chúng ta tạo nên mà có. Cảm xúc của chúng ta chính là kết quả của những suy nghĩ bản thân. Ngọn nguồn hạnh phúc là ý nghĩa và mục tiêu duy nhất của cuộc sống, là cái đích mà con người hướng tới trong suốt cuộc đời mình. Hạnh phúc là cảm giác tuyệt vời, rất thôi thúc mà không ai có thể cưỡng lại được.
Làm thế nào để có hạnh phúc thật sự?
- Theo các nhà khoa học: 50% giới hạn hạnh phúc là do kiểu gen; 50% còn lại chỉ 10% phụ thuộc vào giàu có, tình trạng hôn nhân và công việc, còn 40% là kết quả của những suy nghĩ, cảm giác và hành động của con người.
- Con người không hạnh phúc khi cuộc sống không còn hứng thú, luôn bất an, mệt mỏi, chán nản, tiêu cực.
- Con người có hạnh phúc giả tạo đó là tìm tới những hoạt động kích thích khoái cảm, hưng phấn ảo như rượu chè, trai gái, cờ bạc, sử dụng chất gây nghiện…
- Hạnh phúc viên mãn, đó là hạnh phúc mà mọi người hướng tới: gia đình ấm êm; bạn bè tôn trọng, yêu quý; thành công trong công việc, tài chính dư giả, có nhà đẹp, con cái ngoan tiến bộ…hài lòng với bản thân (Tuy đây chỉ là hạnh phúc bề ngoài).
- Hạnh phúc tự thân đây mới là hạnh phúc trọn vẹn. Cảm giác êm ấm, thanh thản, bình yên và tràn đầy lạc quan yêu đời từ sâu thẳm tâm hồn. Hạnh phúc đích thực là những cảm xúc tự nhiên. Trong cõi Phật, người ta gọi đó là “cõi niết bàn”, còn ở Thiên chúa giáo là “thiên đàng bên trong tâm hồn”, Đạo Hồi “hạnh phúc và bình yên”. Hạnh phúc không ở đâu xa mà ở ngay trong ta, trong con tim của mỗi con người.
- Hạnh phúc có được từ tư duy tích cực. Hệ sinh thái của tư duy tích cực gồm các thành tố: Suy nghĩ tích cực; trải nghiệm hoặc tình huống; cảm xúc tích cực; hành động tích cực và có hạnh phúc. Hạnh phúc luôn có tính lan truyền.
2.4. Hạnh phúc do ta rèn luyện mà có.
“Vạn vật không thay đổi, chỉ có con người thay đổi”.
+ Cần duy trì 03 nguyên tắc để có hạnh phúc đích thực:
- Nguyên tắc thứ nhất: Điều gì khiến bạn mở lòng sẽ giúp bạn thấy hạnh phúc hơn. Trong vũ trụ vạn vật, kể cả con người đều mang một nguồn năng lượng tiềm ẩn. Mỗi hành động của chúng ta đều có tác động mở rộng, khuếch tán, thu hẹp hoặc kìm nén nguồn năng lượng này. Hãy để cho tình yêu lên tiếng. Trái tim không biết yêu thương là trái tim ngừng đập và dẫn tới một tâm hồn chết. Khoa học đã chứng minh, quả tim người sinh ra một điện trường xung quanh 0,3 m và năng lượng nó phóng thích ra ngoài mạnh hơn 5.000 lần năng lượng do bộ não tạo ra. Do vậy, để duy trì hạnh phúc trái tim cần: Hướng về lòng biết ơn; Rèn luyện lòng bao dung và nuôi dưỡng tình yêu thương và biết quý trọng con người.
- Nguyên tắc thứ hai: Rèn kỹ năng giao tiếp hợp tác trên tinh thần “mình vì mọi người, mọi người vì mình” như vậy sẵn sàng giúp đỡ mọi người và mọi người luôn sẵn lòng giúp bạn.
- Nguyên tắc thứ ba: Những điều bạn trân trọng đều đang dựa trên luật hấp dẫn, có nghĩa là bất kể điều gì, nghĩ gì, nói gì hay làm gì thì nó cũng tác động trở lại chính bạn như sức hút của một thỏi nam châm. Đúng như dân gian đã nói “gieo gió, gặt bão” hay quả báo “gieo nhân nào gặt quả nấy”. Bất kỳ lúc nào bạn trân trọng niềm hạnh phúc đang hiện hữu trong bạn thì cảm xúc hạnh phúc đang tăng lên.
+ Tạo dựng mái nhà hạnh phúc: Sống có mục tiêu, lý tưởng. Mục tiêu chính là sự khao khát, thôi thúc chúng ta làm điều gì đó có ý nghĩa trong đời. “Bữa ăn hạnh phúc” chính là tìm được ý nghĩa cuộc đời. Đối với học sinh đó là mục tiêu học tập, học không biết chán và “học để hạnh phúc”. “Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc mới là chìa khóa dẫn tới thành công”. Khi ta phát hiện ra đâu là đam mê, lý tưởng của đời mình thì cuộc sống sẽ tràn ngập bình yên, bình yên như những tia nắng chiếu rọi vạn vật và làm bừng sáng cả trái đất bao la. Cống hiến vì một mục tiêu: Những người hạnh phúc thật sự là những người biết tìm kiếm, san sẻ, sống chan hòa với mọi người.
III. Các biện pháp xây dựng MIS thành trường học Văn minh- Hạnh phúc.
1. Xây dựng nền móng ngôi trường hạnh phúc.
1.1. Xây dựng tiêu chí trường học hạnh phúc.
Tiêu chí trường học hạnh phúc gồm ba nhóm: Môi trường nhà trường và phát triển cá nhân; Dạy và Học.
UNESCO đưa ra “nhóm 3P về trường học hạnh phúc”, đó là về con người (People), bao gồm các mối quan hệ có liên quan trong trường học; về hệ thống (Process), bao gồm đổi mới các phương pháp dạy học; về địa điểm (Place), bao gồm các yếu tố môi trường của trường học.
- Về con người: Để có một trường học hạnh phúc cần chú trọng xây dựng những giá trị nhân văn và những chuẩn mực hành xử tích cực giữa người, như đã được nêu rõ trong Triết lý giáo dục; 08 giá trị cốt lõi; Các giá trị văn hóa và các Quy tắc ứng xử văn hóa MIS.
- Về Hệ thống: Tức các quy trình, chính sách, chủ trương, phương pháp giáo dục…được thiết kế để vận hành MIS.
- Về Môi trường: Tức những không gian vật chất lẫn không gian văn hóa giúp cho trường học là một môi trường an toàn, thân thiện và nhiều tình thương.
1.2. Xây dựng môi trường văn hóa Kiến tạo- Thân thiện- An toàn và nhiều tình thương. Thực hiện triệt để các quy định văn hóa MIS và các quy tắc ứng xử văn hóa: 5 xin- 5 biết -5 không và 5 First:
- 5 Xìn: 1-Xin chào (Anh/chị/ông/bà…); 2-Xin lỗi;3-Xin phép;4- Xin cám ơn; 5-Xin hẹn gặp lại.
- 5 Biết:1- Biết chào hỏi, lắng nghe người khác; 2- Biết tự phục vụ và bảo vệ bản thân; 3- Biết tự học, tự chủ, hợp tác, sáng tạo; 4-Biết lan tỏa những điều tốt đẹp; 5-Biết hoàn thiện bản thân.
- 5 Không: 1- Không bạo lực học đường; 2- Không ma túy, game, cờ bạc; 3- không nói tục, chửi bậy; 4- Không vứt rác bừa bãi; 5- Không nói dối và bao che khuyết điểm của người khác.
- 5 FIRST: 1- F-FOCUS -Chăm chỉ và nỗ lực hết mình;
2- I-INTEGRITY- Luôn hành động theo lẽ phải;
3- R-RESPECT – Tôn trọng sự khác biệt;
4- S- SELT-DETERMINATION- Không cam chịu thất bại;
5-T- TEAM WORK – Học tập hợp tác.
Hiệu trưởng và giáo viên trước hết phải là những người hạnh phúc, người gieo mầm hạnh phúc và lan tỏa giá trị hạnh phúc trong trường học. Chủ động kết nối tâm hồn, lắng nghe tiếng nói nội tâm, tin tưởng vào điều kỳ diệu của cuộc sống. Hướng về lòng biết ơn, rèn luyện lòng bao dung và nuôi dưỡng tình yêu thương và biết quý trọng mọi người thông qua chương trình giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống của nhà trường.
1.3. Kiến tạo nhà trường tự chủ, dân chủ và giảm áp lực cho giáo viên và học sinh.
Lấy sự hài lòng và sự tiến bộ của mỗi học sinh là chỉ số thước đo hạnh phúc của học sinh và là kết quả cao nhất của việc dạy học của giáo viên.
- Cần xây dựng môi trường giáo dục tối đa hóa tiềm năng di truyền. Vai trò của giáo viên với tư cách nhà quản lý, nhà tổ chức và nhà sư phạm là quan sát, theo dõi, truyền cảm hứng nhiều hơn là giảng dạy theo cách truyền thống. Giáo viên là vầng trăng dịu dàng lan tỏa ấm áp yêu thương và dẫn đường chỉ lối cho học sinh cách học, chinh phục tri thức vượt lên chính mình.
- Tối giản hóa, chắt lọc và tích hợp chương trình, bài giảng với những kiến thức trọng tâm, sinh động gắn với thực tiễn cuộc sống thông qua “ Học tập hợp tác”, chủ đề, Dự án liên môn, Dự án cộng đồng, môi trường …theo hướng tiếp cận năng lực học sinh với phương châm học thật, chất lượng thật, không áp lực thành tích điểm số.
- Tăng cường học đi đôi với hành theo chương trình hàng năm về Trải nghiệm sáng tạo, thực hành chuyên biệt và định hướng nghề nghiệp cho học sinh với thời lượng 120 tiết /năm.
- Tích hợp rèn luyện thể chất với chương trình “Tâm vận động” nhằm phát triển cân đối, hài hòa giữa Tâm lực-Trí lực và Thể lực của học sinh.
- Duy trì hoạt động hàng ngày công tác tham vấn tâm lý học đường nhằm chữa lành Tâm trí và Tâm hồn, định hướng tương lai của Trung tâm MIS MOTHER’S NEST.
1.4. Xây dựng lớp học thông minh và học tập thông minh trên cơ sở tiên phong áp dụng công nghệ giáo dục mới vào MIS.
– Trong giáo dục thông minh, công nghệ xuất hiện ở khắp nơi. Quản lý giáo dục, quản lý nhà trường giúp việc dạy và học thuận lợi, hiệu quả, mở rộng không gian học tập vượt qua giới hạn một bài giảng thông thường.
– Xây dựng lớp học thông minh, phòng học thông minh với hệ thống kết nối internet 5G, màn hình tương tác, máy chiếu đa vật thể, âm thanh, không gian xanh, ánh sáng …cùng các phòng Mỹ thuật, Âm nhạc, Múa, Studio sự kiện, phòng chiếu phim, thư viện trong nhà và ngoài trời hiện đại là cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nền giáo dục hiện đại.
– Áp dụng nhanh các thành tựu CNTT, kỹ thuật số, AI…phổ cập đại trà phần mềm giáo dục tiên tiến nhất hiện nay M-Office 365 trong dạy và học Online, phần mềm mô phỏng, các thí nghiệm ảo, phần mềm quản trị MIS với số hóa tối ưu nhất.
– Tăng cường đầu tư, nâng cấp CSVC với những tiện ích tốt nhất nhằm duy trì không gian, môi trường MIS thật sự xanh-sạch-đẹp- thân thiện với môi trường. Đầu tư mở rộng Trang trại Giáo dục MIS tại Láng- Hòa Lạc 5 ha thật sự trở thành công viên trải nghiệm phức hợp hấp dẫn và bổ ích đối với hoc sinh.
1.5. Tăng cường kết nối giữa nhà trường, gia đình và học sinh, xem đây là một trong những yếu tố quyết định trong việc xây dựng MIS thành ngôi trường Văn minh –Hạnh phúc. “Cha mẹ tốt hơn là người thầy tốt”. Trong công cuộc giáo dục con trẻ, cha mẹ có vai trò quan trọng không thể thay thế.
1.6. Đẩy mạnh các hoạt động thiện nguyện, bảo vệ môi trường và chia sẻ cộng đồng nhằm nâng cao ý thức, nhân cách, lan tỏa lòng yêu thương, nhân ái của học sinh.
1.7. MIS không ngừng tạo điều kiện, cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập cho giáo viên, chăm lo đời sống tinh thần, phúc lợi và “bữa ăn hạnh phúc”, “tổ ấm hạnh phúc” tại trường.
1.8. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa với các nội dung phong phú, sinh động và cuốn hút và bổ ích đối với học sinh.
1.9. Hoàn thiện các tiêu chí thi đua trong trường trong lớp, biểu dương hàng tháng các gương mặt MISERS tiêu biểu tỏa sáng, có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời. Duy trì Quỹ hỗ trợ Sáng tạo và khuyến khích nhân tài “ Hợp Lực” 2.000.000.000 VNĐ để thu hút nhân tài và hỗ trợ sáng tạo của MISERS.
Hãy chung tay xây dựng và bồi đắp MIS thành ngôi trường Văn minh- Hạnh phúc, đây là sứ mệnh cao nhất và mệnh lệnh trái tim của tất cả MISERS cùng sự chung tay của cha mẹ học sinh để mỗi MISER hạnh phúc, lớp học hạnh phúc. Học sinh thực sự cảm thấy hạnh phúc khi dược học tập tại MIS, tự hào về nhà trường và yêu quý, kính trọng thầy cô và thực sự mỗi ngày tới trường là một ngày vui, một ngày hạnh phúc.