HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC HỌC TẬP HỢP TÁC (HTHT)
Hoàng Văn Lược- TGĐ MIS
I. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ HỌC TẬP HỢP TÁC
1. KHÁI NIỆM PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP HỢP TÁC
Phương pháp học tập hợp tác là cách dạy và học mang tính tập thể gồm nhiều cá nhân khác về năng lực tư duy, khả năng nhận thức, kỹ năng giải quyết vấn đề khác nhau cùng hỗ trợ, giúp nhau để đạt mục tiêu chung. Kết quả là thành quả chung của tổ, nhóm vừa là kết quả của từng cá nhân. Phương pháp học tập hợp tác không chỉ giúp người học tiếp thu kiến thức qua các hoạt động tương tác giữa người học với người học, giữa người dạy và người học, giữa người học với môi trường, mà còn thông qua học tập hợp tác, học sinh được rèn rũa các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, kỹ năng phản biện, kỹ năng sáng tạo và giải quyết vấn đề… Đó là các kĩ năng cần thiết của thế kỷ 21.
Bản chất của phương pháp học tập hợp tác là tạo ra môi trường học tập mà ở đó mỗi người học được thể hiện tư duy, năng lực trí tuệ cá nhân, đồng thời hoàn thiện các kỹ năng của mình thông qua đóng góp ưu điểm của người khác, để đạt được mục tiêu chung của cả nhóm: Đúng đắn nhất, phong phú nhất học tập hợp tác là con đường hiệu quả nhất để mỗi người học trở thành con người “Tư duy sáng tạo, thành thạo kỹ năng, vững vàng tri thức, thể lực lành mạnh”.
2. Những đặc điểm phương pháp học tập hợp tác
Học tập hợp tác là hoạt động tập thể trên nền tảng tôn trọng sự khác biệt của tường cá nhân, đề cao tinh thần, thái độ cầu thị, hợp tác và phụ thuộc vào nhau giữa các thành viên.
Các yếu tố cơ bản giúp hiệu quả học tập hợp tác:
– Mỗi học sinh cần ý thức được mình là một thành viên có trách nhiệm trong nhóm. Tất cả cả thành viên cùng chung ý chí, tình cảm và trách nhiệm vì mục tiêu chung.
– Mỗi học sinh thành viên nhóm cần nhận thức rõ ràng rằng, nhiệm vụ của từng thành viên là nhiệm vụ của nhóm. Do đó thành bại của nhóm là thành quả của từng thành viên. Cần tập trung thảo luận, ghi chép và nắm vững kết quả của nhóm để việc trình bày được rõ ràng, ngắn gọn và trả lời được câu hỏi của các bạn trong nhóm khác. Khả năng trình bày, giải đáp, cũng là yếu tố quan trọng trong kết quả của nhóm. Thành quả chia đều cho các thành viên trong nhóm.
– Muốn hoàn thành mục đích học tập của nhóm tốt nhất, tất cả thành viên trong nhóm sẽ phải trao đổi, động viên, giúp nhau chuẩn bị bài mới, làm bài tập ở nhà đầy đủ và nắm được những nội dung cốt lõi, cơ bản của bài học.
– Nhận thức rõ thành công của nhóm là thành công của mình, do vậy mỗi thành viên nêu cao ý thức trách nhiệm, thái độ hợp tác thân thiện “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”.
3. Mục đích của phương pháp học tập hợp tác
“Nắm vững tri thức, Hoàn thiện kỹ năng”
– Học tập hợp tác là cơ sở, là môi trường bung lụa đa trí thông minh để bứt phá chinh phục tri thức nhờ giáo dục thông minh, hạnh phúc. Tại đó mỗi học sinh cảm thấy tự tin và có động lực học tập, hài lòng về bản thân vì đạt được thành tích cao nhất đối với chính mình. Trong học tập hợp tác học sinh được tăng cường giao tiếp, tương tác với đa dạng tư duy, ý kiến đa chiều, đa dạng của mọi người “Biến không thành có, biến nhỏ thành to, biến rủi ro thành cơ hội”. Qua học tập hợp tác mọi học sinh thấy việc học tập trở thành nhẹ nhàng, đầy hứng thú với không khí thoải mái, cởi mở, không áp lực.
Tạo ra không gian “Học mà chơi, chơi mà như học” thể hiện sức mạnh đồng đội, sức mạnh tập thể trên tinh thần 5 First của MIS.
4. Những ưu điểm vượt trội và khó khăn của phương pháp học tập hợp tác.
a/ Ưu điểm: Học tập hợp tác là cách học có nhiều ưu việt vượt trội.
- Từng học sinh được làm việc, học tập cùng các bạn khác nên sẽ học được các kỹ năng hợp tác, giao tiếp, xử lý vấn đề, phối hợp cùng nhau trên nhiều phương diện.
- Từng học sinh được thể hiện suy nghĩ, đánh giá, nhận thức, cảm nhận, ý tưởng của mình đóng góp vào công việc chung của nhóm, cũng như tiếp thu, lắng nghe, ý kiến của bạn, trao đổi giữa các ý kiến khác để cùng thống nhất, có giải pháp tốt nhất.
- Chia sẻ tâm tư, kinh nhiệm riêng, giúp nhau làm bài tập ở nhà, chuẩn bị bài mới…
- Rèn luyện tính đồng đội, vì nhau và yêu quý nhau, tổ chức công việc, phân công nhiệm vụ, hỗ trợ người khác, hướng tới mục tiêu chung.
b/ Khó khăn: HTHT cũng tồn tại một số khó khăn
– Một số học sinh chưa tự giác học tập hoặc tự ti trong giao tiếp hợp tác làm ảnh hưởng tới kết quả chung của tổ, nhóm cho nên có thể dẫn tới tình trạng các thành viên không muốn hợp tác với những học sinh đó.
– HTHT sẽ không đạt được kết quả mong muốn nếu giáo viên không chuẩn bị tốt đề cương tiết học và không tuân thủ đầy đủ các bước về tổ chức, quản lý và đánh giá quá trình HTHT hoặc GVCN không sâu sát bao quát, theo dõi, hướng dẫn và nhận xét, đánh giá, động viên kịp thời các tổ, nhóm trong quá trình HTHT.
5. Một số hình thức và phương pháp học tập hợp tác
5.1 Thảo luận nhóm: diễn ra trong tiết học và vấn đề nào đó
5.2 Hoạt động nhóm: Cùng chung sức giải quyết một vấn đề, một tình huống, được giáo viên giao cho, thông qua hoạt động tập thể.
5.3 Hội thảo: Theo chủ đề mở rộng có tính chất nâng cao hơn.
5.4 Theo dự án liên môn (Nhóm – tổ – Cả lớp).
5.5 Theo dự án cộng đồng (môi trường, từ thiện…).
II. TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ HỌC TẬP HỢP TÁC
1. Tổ chức học tập hợp tác
Mỗi lớp được chia thành các tổ, nhóm khác nhau tùy theo sĩ số lớp học. Ví dụ có thể chia 1 lớp học với 30 học sinh thành 3 tổ, mỗi tổ được chia thành 2 nhóm.
– Tổ 1 (A) bao gồm nhóm 1.1 và nhóm 1.2.
– Tổ 2 (B) bao gồm nhóm 2.1 và nhóm 2.2.
– Tổ 3 (C) bao gồm nhóm 3.1 và nhóm 3.2.
1.1 Nguyên tắc lập tổ, nhóm
Có thể chia tổ, nhóm theo các hình thức theo chiều ngang, hoặc chiều dọc của lớp học. Ví dụ mỗi tổ theo một dãy bàn:
- Tổ 1 dãy 1, tổ 2 dãy 2 và tổ 3 dãy 3.
- Mỗi nhóm gồm 4-5 học sinh, trong đó có đủ 3 thành phần về năng lực, kỹ năng: Giỏi, khá và trung bình. Biên chế cố định trong 1 học kỳ đối với tất cả các lớp.
- GVCN cùng bạn cán sự lớp (lớp trưởng và các lớp phó) trao đổi thống nhất thành phần các tổ, nhóm (lưu ý: cần đáp ứng yêu cầu (B) và hợp nhau về tính nết), trình Hiệu trưởng duyệt.
Lưu ý: Sau khi GVCN công bố biên chế tổ, nhóm căn cứ nguyện vọng của học sinh, xem xét điều chỉnh lại cho hợp lý.
1.2 Nhân sự quản lý các tổ, nhóm trong học tập hợp tác.
A. Nhân sự tổ, nhóm
Lớp trưởng kiêm Tổ trưởng tổ 1.
– 2 lớp phó kiêm Tổ trưởng tổ 2 và 3.
– GVCN cùng Tổ trưởng dự kiến nhóm trường và thư ký, giới thiệu trong nhóm thống nhất.
B. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Tổ trưởng, Nhóm trưởng và Thư ký nhóm.
- Tổ trưởng: Quản lý, kiểm tra, đôn đốc và đánh giá kết quả hoạt động của các nhóm trong tổ (hàng tuần và hàng tháng).
- Phân công các nhóm thực hiện kiểm tra định kỳ việc làm bài tập tại nhà;
- Chuẩn bị bài mới và chấm bài học tập hợp tác của các nhóm khác theo yêu cầu của giáo viên bộ môn và hoặc GVCN.
– Báo cáo và thống nhất với GVCN việc xếp loại nhóm “Xuất sắc – Giỏi – Khá – Đạt” và các “gương mặt tiêu biểu” trong tháng.
- Nhóm trưởng: Quản lý, phân công, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các thành viên trong nhóm về việc học tập (làm bài tập ở nhà, chuẩn bị bài mới), rèn luyện (chấp hành nội quy, quy chế học tập, nề nếp thi đua).
– Điều hành quá trình thảo luận nhóm trong tiết học ngoài giờ tại nhà.
– Phân công giúp nhau trong học tập trong lớp và ngoài giờ (cặp đôi cùng tiến).
– Tổ chức “Họp nhóm” định kỳ ngoài giờ trên lớp, đặc biệt vào ngày thứ 7 và chủ nhật để giúp nhau chuẩn bị bài mới và hoàn thành đầy đủ bài tập về nhà.
– Tiến hành kiểm tra chéo định kỳ hàng tuần các nhóm khác về làm bài tập ở nhà, chuẩn bị bài mới và chấm bài học tập hợp tác của nhóm khác theo phân công của Tổ trưởng.
– Đánh giá các thành viên trong nhóm hàng tuần và hàng tháng.
– Báo cáo tổ trưởng về hoạt động của nhóm.
– Lựa chọn “gương mặt tiêu biểu” của nhóm trong tháng, đề xuất tổ trưởng.
- Thư ký nhóm: Tổng kết kết quả thảo luận nhóm trong quá trình học tập hợp tác để thành viên được GV chỉ định lên trình bày trước lớp hoặc chuyển cho nhóm khác chấm ngoài giờ học.
– Tổng hợp các kết quả nhận xét, đánh giá, cho điểm của GV đối với từng thành viên trong nhóm hoặc cả nhóm.
– Viết bên bản: Họp, hội ý nhóm, bình bầu hàng tháng.
III. TRIỂN KHAI HỌC TẬP HỢP TÁC
1. Phạm vi học tập hợp tác: Tại tiết học và ngoài giờ lên lớp, tại nhà vào buổi tối, thứ 7 và chủ nhật…
2. Vai trò của giáo viên, học sinh và Ban giám hiệu trong học tập hợp tác
2.1. Giáo viên bộ môn
A. Chuẩn bị đề cương tiết học cho một tuần học, gồm 2 phần:
Phần 1: Đề cương tóm tắt về nội dung cốt lõi bài giảng và yêu cầu nội dung cần nắm vững.
Phần 2: -Các câu hỏi về truy bài cũ (nếu cần) và chuẩn bị bài mới.
– Câu hỏi trọng tâm bài học mang tính chất mở, tổng hợp (gắn với thực tế) có thể không nằm trong sách giáo khoa và giáo án để thảo luận nhóm.
B. Giáo viên là người hướng dẫn, tư vấn, quản lý, giám sát, truyền cảm hứng và đánh giá quá trình học tập hợp tác
– Giáo viên chuẩn bị đề cương các tiết học trong 1 tuần, gửi GVCN để phát cho các tổ, nhóm vào tiết sinh hoạt lớp cuối tuần.
– Tổng hợp và đánh giá, chấm điểm học tập hợp tác và tóm tắt nội dung quan trọng, cốt lõi học sinh cần nắm vững trong tiết học.
– Đối với 1 tiết học: Cần chia làm 3 phần
Phần 1: (10-15p) truy bài cũ (nếu cần). Giáo viên chỉ định đại diện các nhóm trình bày nội dung bài mới (theo các câu hỏi trong đề cương đã đưa trước). Nguyên tắc chỉ định luân phiên lần lượt các thành viên trong nhóm qua một phần học. 1 tiết học có 3-6 nhóm được mời(chỉ định) đại diện trình bày trước lớp. Qua 1 phần học mỗi thành viên có 2 đầu điểm: Cá nhân và cả nhóm.
Phần 2: (10-15p) thảo luận làm việc nhóm (câu hỏi mở, bao quát, tổng hợp).
– Mỗi tiết chỉ định đại diện của 1-2 nhóm (1 hoặc 2 thành viên) lên bảng trình bày, nghe ý kiến phản biện của các học sinh trong lớp. Giáo viên cho điểm trên nguyên tắc mỗi thành viên nhóm có 1 đầu điểm cá nhân khi trình bày và 1 đầu điểm cả nhóm. Các nhóm nộp bài cho giáo viên để giao các tổ chấm chéo ngoài giờ (nộp vào đầu tiết tiếp theo).
Phần 3: (15-20p) giáo viên giảng giải, tổng hợp phân tích, đánh giá (phần 1, 2) và đi sâu vào bài giảng, đúc kết bài học với nội dung cốt lõi, quan trọng mà học sinh phải hiểu và nắm vững.
Căn cứ tính chất và nội dung của từng môn học, giáo viên phân bổ thời gian từng phần của tiết học và tỉ lệ luyện kỹ năng về trắc nghiệm và tự luận theo đặc thù môn học một cách khoa học, hợp lý.
C. Căn cứ kết quả học tập hợp tác hàng tháng GV đánh giá xếp loại từng nhóm, từng tổ và chọn “gương mặt học sinh tiêu biểu” trong tháng.
D. Thường xuyên trao đổi với GVCN về quá trình học tập hợp tác. Gửi đánh giá cuối tháng cho GVCN.
2.2. Học sinh
A. Học sinh theo nhóm: Tự học, tự chủ, tự quản, tự kiểm tra, đánh giá trong quá trình học tập hợp tác, kết quả học tập hợp tác của mỗi nhóm là kết quả của từng thành viên trong nhóm.
B. Nhóm trưởng điều khiển quá trình học tập, thảo luận nhóm trên nguyên tắc tất cả các thành viên trong nhóm đóng góp (chỉ định theo thứ tự) thảo luận, thống nhất ý kiến để thư ký ghi lại đầy đủ (nhóm trưởng ký).
C. Tổ trường phân công các nhóm kiểm tra chéo (mỗi tuần 1 lần) các tổ, nhóm khác về việc làm bài tập ở nhà và chuẩn bị bài mới tại nhà, hoặc chấm bài của nhóm, tổ bạn.
2.3 Giáo viên chủ nhiệm
–Hàng tuần làm việc với các tổ trưởng để nghe báo cáo và đánh giá, động viên, nhắc nhở trong tiết hoạt cuối tuần.
–Tổng hợp và đánh giá kết quả học tập hợp tác phân loại các tổ, nhóm hàng tháng. Lựa chọn tổ, nhóm, cá nhân xuất sắc/ tháng.
–Lắng nghe ý kiến cả học sinh và các tổ trưởng, nhóm trưởng để trao đổi, góp ý với GVBM hoàn thiện kỹ năng, phương pháp… để học tập hợp tác đạt hiệu quả cao nhất.
– Báo cáo BGH về kết quả học tập, nề nếp… của lớp và cuối tháng bằng văn bản
2.4. Ban Giám hiệu (BGH) và phòng Giáo vụ
– Ban giám hiệu triển khai HTHT, kiểm tra, đánh giá và khắc phục những hạn chế, bổ sung hoàn thiện để HTHT đạt hiệu quả cao nhất.
– Phòng giáo vụ giúp BGH theo dõi, giám sát và đánh giá rút kinh nghiệm quá trình HTHT. Chuẩn bị mẫu bài làm HTHT để GVCN phát cho các tổ nhóm trong quá trình HTHT.
IV. TIÊU CHÍ THI ĐUA HỌC TẬP HỢP TÁC
- Khuyến khích, động viên, khích lệ sự tiến bộ của từng học sinh trên nền tảng kiến thức đã và đang có. Sự tiến bộ của học sinh là thước đo đánh giá kết quả giảng dạy.
– Nhóm xuất sắc trong tháng, mỗi thành viên trong nhóm được cộng thêm 1 điểm.
– Tổ xuất sắc trong tháng, mỗi thành viên trong tổ được cộng thêm 0,5 điểm.
– Cá nhân Tiêu biểu trong tháng được cộng thêm 1 điểm.
- Học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau
– Tinh thần hợp tác (rất tốt, tốt, khá, chưa đạt)
– Sự chủ động tích cực (rất tốt, tốt, khá)
– Làm bài tập về nhà (đầy đủ 100%; chưa đầy đủ…..%)
– Chuẩn bị bài mới (đầy đủ 100%; chưa đầy đủ…..%)
– Chấm điểm học tập hợp tác (kết quả): 1 ÷ 10 điểm
- Kết quả học tập hợp tác được đánh giá trên cơ sở tổng hợp 04 yếu tố sau (100%):
– Kết quả học tập (cá nhân + tập thể (HTHT): 50%
– Chuẩn bị bài tập và bài mới: 20%
– Kỹ năng trong học tập hợp tác: 15%
– Ý thức, trong học tập hợp tác: 15%
- Cuối tháng GVCN cùng các tổ trưởng, xem xét, phân tích và đánh giá các tổ, nhóm và cá nhân. Biểu dương và nhắc nhở cá nhân chậm tiến.
V. DỰ ÁN TÍCH HỢP LIÊN MÔN
- Chia theo 4 nhóm (mỗi nhóm 6-8 học sinh) tùy sĩ số từng lớp.
Ban chủ nhiệm Dự án chia nhóm báo cáo GVCN và cố vấn dự án điều chỉnh và phê duyệt.
(lưu ý: Ưu tiên theo nguyện vọng và sở trường của học sinh).
- Tổ chức, quản lý Dự án.
2.1. Ban chủ nhiệm Dự án gồm Lớp trưởng và các Lớp phó.
2.2. Mỗi nhóm bầu 01 nhóm trưởng và thư ký.
2.3. Ban cố vấn Dự án bao gồm các giáo viên bộ môn và GDCD lớp (mỗi dự án: GVCN và 1 cố vấn dự án). BGH chỉ định cố vấn Dự án.
- Triển khai Dự án.
3.1. Phân công nghiệm vụ.
– Trong từng nhóm: Phân công cho từng học sinh phụ trách nghiên cứu một tỉnh, địa phương cụ thể. GV bộ môn kiểm tra kết quả và chấm điểm cá nhân (1).
3.2. Nhóm tổ chức nghe từng cá nhân báo cáo và thư ký tổng hợp báo cáo nhóm. Nhóm trưởng báo cáo trước lớp. Ban cố vấn cho điểm nhóm (2).
3.3. Ban chủ nhiệm Dự án và thư ký, lập báo cáo chung của Dự án dưới sự hỗ trợ cố vấn Dự án.
3.4. Báo cáo Dự án trước Hội đồng nhà trường:
– Chủ nhiệm dự án báo cáo chung, các nhóm trưởng báo cáo về phần việc của các nhóm. Điểm lớp (3).
Như vậy: Mỗi học sinh có 3 đầu điểm.
Ví dụ: – Điểm cá nhân: Hệ số: 1 x 7 = 7
– Điểm cả nhóm: Hệ số: 2 x 7 = 14
– Điểm cả lớp: Hệ số: 3 x 8 = 24
– Cộng 3 hệ số = 45 (điểm bình quân: 45 ÷ 6 = 7,5).