Trường PTLC MIS kiên định và nhất quán thực hiện bốn tiêu chí giáo dục của mình, đó là: “Giàu tri thức, thích ứng nhanh, sống nhân ái và biết tự hoàn thiện mình”.
Ở mỗi giai đoạn phát triển về thể chất và tâm lý, học sinh có thể trải nghiệm với những thách thức và khó khăn nhất định. Để mỗi học sinh biết tự hoàn thiện mình, nhà trường nói chung và giáo viên nói riêng phải lắng nghe và thấu hiểu đầy đủ về những vướng mắc của học sinh, chia sẻ giải pháp định hướng cho sự phát triển tâm sinh lý đúng đắn.
Tham vấn tâm lý học đường (TVTLHĐ) là hoạt động tư vấn chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các em học sinh cũng như tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với lứa tuổi học sinh. Các vấn đề về tâm lý học sinh thường gặp có thể thuộc một trong năm lĩnh vực: Học tập, nhận thức, cảm xúc, hành vi và xã hội.
A. Nhà trường xác định nhiệm vụ trọng tâm của công tác TVTLHĐ, bao gồm:
1- Dự báo, khảo sát định kỳ phân loại đối tượng học sinh về những vấn đề sức khỏe, tâm lý học sinh và thực hiện hoạt động tham vấn phòng ngừa.
2- Sàng lọc, phát hiện sớm những vấn đề về sức khỏe, tâm lý học sinh và thực hiện hoạt động tham vấn trực tiếp cho học sinh.
3- Tổ chức các chương trình phòng ngừa và can thiệp tới toàn bộ học sinh nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng để học sinh tự ứng phó và giải quyết các vấn đề gặp phải. Tổ chức sinh hoạt chuyên đề và tư vấn cho giáo viên, phụ huynh, cán bộ nhà trường về những chủ đề có liên quan tới tâm sinh lý, giáo dục dành cho học sinh.
4- Tổ chức các hoạt động, các chuyên đề, hội thảo chuyên sâu về tâm lý lứa tuổi cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm làm công tác TVTLHĐ.
Sứ mệnh tối ưu, mục đích bao trùm của TVTLHĐ là tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển cá nhân về các mặt thông qua hoạt động hướng dẫn, tham vấn, tư vấn cho mỗi đối tượng khác nhau, thông qua nỗ lực hợp tác giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng.
Để đảm bảo sứ mệnh này, TVTLHĐ được hướng tới những mục tiêu rất cụ thể. Muốn đạt được phát triển lành mạnh về tinh thần, thúc đẩy sự phát triển sở trường, sở đoản của mỗi học sinh; TVTLHĐ phải giúp học sinh xác định, đánh giá đúng bản thân, đặc biệt là sự hứng thú, năng lực và cá tính của học sinh đó; giúp học sinh vươn lên học giỏi theo đúng tiêu chí “Giàu tri thức”, củng cố tính độc lập, thích nghi với mọi biến đổi, thể hiện và kiểm soát tốt bản thân có nghĩa là “Thích ứng nhanh” với mọi tình huống, hỗ trợ tạo ra môi trường học tập an toàn và đáp ứng nhu cầu của từng học sinh nhờ các chương trình phòng ngừa và can thiệp tâm lý; tạo nền tảng hình thành nhân cách của công dân có trách nhiệm, năng động, sáng tạo và biết luôn luôn “Hoàn thiện mình”.
B. Nội dung chính TVTLHĐ bao gồm:
– Can thiệp, tham vấn tâm lý cho học sinh: Bằng hình thức tham vấn cá nhân hoặc nhóm giúp các em đương đầu tích cực với những khó khăn, khủng hoảng nảy sinh trong quá trình phát triển; từ đó củng cố nhận thức, niềm tin, thiết lập những cảm xúc hợp lý và quản lý tốt hành vi của mình.
– Hoạt động phòng ngừa giáo dục nhóm, tập thể lớp, tập thể khối. Xây dựng, thiết kế, tổ chức các chương trình hoạt động cụ thể (giáo dục về giới tính, kỹ năng phòng tai nạn thương tích thân thể và tai nạn tinh thần, hướng nghiệp…) hướng tới mục đích phòng ngừa và can thiệp sớm về tâm lý có thể nảy sinh của học sinh.
– Tư vấn cho giáo viên, cán bộ, phụ huynh học sinh và cán bộ quản lý nội trú, bán trú cùng tham gia vào quá trình giáo dục khác.
– Tổ chức các hoạt động giao lưu trao đổi kiến thức, kỹ năng nhằm tăng cường năng lực tự giải quyết vấn đề của học sinh và các bậc phụ huynh. Cụ thể tăng cường công tác đoàn đội, công tác chủ nhiệm, giáo viên giáo dục công dân tổ chức sinh hoạt chuyên đề về những lĩnh vực có liên quan đến tâm lý lứa tuổi học sinh, việc hình thành lý tưởng, giá trị sống và hình thành các kỹ năng sống.
– Tổ chức các buổi tọa đàm cùng phụ huynh học sinh về các lĩnh vực liên quan tới tâm lý và cách giáo dục các em. Ví dụ như tổ chức chương trình hội thảo “Để trở thành bạn đồng hành của các con”…
– Phổ biến các kiến thức tâm lý, giáo dục liên quan dưới hình thức sinh hoạt thư viện, tờ rơi, áp phích,…
– Tổ chức các buổi thực hành, thực tập cho học sinh.
Để có thể lắng nghe và thấu hiểu đầy đủ về những vướng mắc và chia sẻ giải pháp hướng cho sự phát triển tâm sinh lý đúng đắn – Phòng TVTLHĐ nhà trường phải luôn luôn đổi mới phương pháp, nâng cao năng lực TVTLHĐ – trở thành địa chỉ tin cậy, chỗ dựa tin cậy của học sinh và phụ huynh của nhà trường.
Hoàng Văn Lược – Tổng Giám đốc điều hành.